Bài: Trương Quý
Ảnh: Bá Ngọc

Cho đến thời người Việt đã quen với những phương tiện truyền tải hình ảnh tiên tiến của thế giới, họ vẫn dành một góc hoài niệm trân trọng hình ảnh quá khứ như một sự bảo lưu căn cước văn hóa. Một trong những thứ đã giúp họ lưu lại vẻ đẹp truyền thống cộng đồng mình chính là dòng tranh dân gian Đông Hồ. Những bức tranh in khắc này là phiên bản rực rỡ của đời sống người Việt nhiều thế kỷ, khi được treo trong những ngôi nhà bình dân, thắp lên ánh sáng tưng bừng của lễ hội và ước vọng phồn vinh thường nhật.

Tranh "Chăn trâu thả diều"

Trăm vẻ như in tờ giấy trắng

Mặc dù dòng tranh dân gian Đông Hồ chỉ là một trong vài dòng tranh dân gian Việt Nam nhưng sự phong phú và phổ biến của nó đã khiến cái tên Đông Hồ trở thành đại diện cho một loại hình nghệ thuật tạo hình nổi bật của người Việt. Tranh Đông Hồ đã được người Việt coi như biểu tượng thế giới hình ảnh của mình, bởi sự khái quát và bao trùm các khía cạnh đời sống mà những bức tranh khắc in trên giấy dó tạo nên. Chúng tựa như những nhật ký hình ảnh của họ.

Lịch sử tranh Đông Hồ có thể có từ thời những bản khắc kinh Phật được lưu hành, khi mà vùng đất cổ Bắc Ninh là một trung tâm văn hóa Phật giáo của người Việt. Các nhà nghiên cứu cho rằng dòng tranh này thực sự bắt đầu sau khi nghề khắc ván in phổ biến, cũng như căn cứ vào sự gần gũi đề tài sinh hoạt dân gian trong các điêu khắc đình làng từ thế kỷ 16 – 17, từ đó tranh Đông Hồ trở nên một thành tố văn hóa trong đời sống cộng đồng. Những câu thơ của Phạm Thái, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương đã trở thành bằng cớ cho sự ảnh hưởng của những bức tranh dân gian trong diễn tả vẻ đẹp con người đương thời:

Ấy bao nhiêu tuổi hỡi cô mình,
Chị cũng xinh mà em cũng xinh.
Trăm vẻ như in tờ giấy trắng,
Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh
(thơ Hồ Xuân Hương)

Tranh Đông Hồ nổi bật trước hết là bởi sinh ra từ một nền vật chất gắn với thiên nhiên nước Việt. Để chuẩn bị cho các công đoạn sản xuất, người làm tranh phải chuẩn bị những thứ sẽ trở thành đặc trưng nhận diện của loại tranh này: Giấy in tranh làm bằng vỏ cây dó được giã dập, nấu thành bột và xeo thành tờ rồi được phơi khô. Người Đông Hồ đã sáng tạo bằng dùng những cây chổi lá thông nhỏ quét một lớp hồ pha với vỏ con điệp lấy từ vùng biển về, nhờ đó nền tranh có một lớp phủ in những vệt lằn ngang như những đường vân óng ánh xà cừ, để rồi mang cái tên “giấy điệp”. Những chất liệu màu in cũng từ thiên nhiên: màu đỏ từ loại sỏi đỏ vùng đồi, màu nâu đỏ sẫm từ thân, rễ cây vang, màu xanh chàm từ vỏ và lá chàm vùng núi, màu vàng từ hoa hòe hay bột quả dành dành, màu đen từ tro rơm nếp hay than lá tre, gỗ xoan, thứ sẵn có xung quanh làng mạc… Từ những màu này, nghệ nhân pha thêm các màu khác như màu xanh từ gỉ đồng, rồi tất cả qua sự cải tiến đã hình thành một bộ màu “ngũ sắc” ổn định cho đến ngày nay.

Chổi lá thông quét màu son đỏ lên gối giữ mực

Sau vật liệu giấy và màu, nội dung tranh nằm ở hệ thống ván khắc. Do khổ giấy dó có cỡ 30cm x 70cm được cắt thành các khổ nhỏ hơn, gọi là pha đôi, pha ba cho đến cỡ nhỏ nhất là “lá mít”, nên ván khắc cũng theo những kích thước tương ứng. Đặc biệt, do in nhiều màu nên mỗi bản tranh sẽ cần ba đến năm ván riêng để in lần lượt các mảng cũng như nét đen viền. Những ván in được khắc từ gỗ thị, cũng một loại cây quen thuộc vùng quê Bắc Bộ. Tranh được vẽ bằng cách dập ván khắc gỗ lên gối giữ màu, mỗi màu một bản sau đó ấn khuôn lên giấy. Những bức tranh hoàn thành mặc dù cùng một khuôn, song lại có thể có những biến thể thú vị nhờ sự khác biệt về sắc độ đậm nhạt của lớp màu được quét lên ván hay mảng màu có những sự ngẫu nhiên do công đoạn ấn dập xuống tờ giấy điệp từ bàn tay người thợ.

Om sòm trên vách bức tranh gà

Tranh Đông Hồ cũng nghĩa là tranh Tết, điều đó đã trở thành một ký ức văn hóa của nhiều thế kỷ đời sống người Việt. Bởi lẽ những đề tài được các nghệ nhân khắc in quá đỗi gần gũi và đầy ắp khát vọng về sự bình yên, no ấm và tụng ca vẻ đẹp của niềm vui sống: Gà đàn, Gà Đại Cát, Lợn ăn lá ráy, Đám cưới chuột, Rước rồng, Múa lân hay những câu chuyện sinh hoạt nhiều hóm hỉnh như Đánh ghen, Hứng dừa, Đấu trường, Thầy đồ Cóc

Bao nhiêu thi tứ đã cảm hứng từ những bức tranh khắc họa đời sống người Việt, tạo ra một cảm thức không phai mờ về cội nguồn:

 Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách bức tranh gà
(thơ Tú Xương)

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
(thơ Hoàng Cầm).

Truyện thơ Nôm Bích Câu kỳ ngộ đã viết về nàng Tố Nữ bước ra từ bức tranh, cũng như những bức tranh dân gian thường được in khắc kèm những chữ đẹp hoặc lời thơ Nôm dí dỏm, thể hiện một sự tương thông giữa văn bản và nét vẽ, tạo thành một vùng văn hóa lan tỏa cả bề rộng lẫn chiều sâu nội dung. Thế kỷ 20 cũng chứng kiến sự thích ứng của tranh Đông Hồ khi các nghệ nhân tạo ra những chủ đề tranh lịch sử với các gương anh hùng, “văn minh – tiến bộ” thời thuộc địa tiếp xúc văn hóa phương Tây, hay những chủ đề lao động sản xuất thời kháng chiến.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh (phải) cùng con dâu - người kế thừa nghề truyền thống của gia đình

Trước đây, từng có 17 dòng họ Đông Hồ làm tranh, trong đó dòng họ Nguyễn Đăng và Nguyễn Hữu vẫn tiếp tục duy trì truyền thống, giúp cho danh xưng làng tranh Đông Hồ, tên Nôm là làng Mái, bên dòng sông Đuống xứ Kinh Bắc vẫn là một điểm đến, bởi lẽ những bức tranh mộc mạc trên tờ giấy dó mỏng manh có sức hút đặc biệt giữa thời đại công nghệ. Chúng là bằng chứng cho khả năng thẩm mỹ của con người ở một nền văn hóa nông nghiệp bình dị, chưng cất lên từ những đời thường nhọc nhằn mà đã thành hồn vía dân tộc.

Câu ca dao “Hỡi cô thắt bao lưng xanh, có về làng Mái với anh thì về/ Làng Mái có lịch có lề, có sông tắm mát có nghề làm tranh” gợi nên khung cảnh hoàn hảo của sự hòa quyện giữa thiên nhiên và lao động, giữa sự mộc mạc và ý vị huê tình của con người Đông Hồ. Những thế kỷ trôi qua đầy biến động, công việc làm tranh ở những ngôi nhà nhỏ bé vẫn cố gắng duy trì như một nỗ lực giữa thời đại mà những thứ “thủ công” bỗng trở nên hiếm quý. Đông Hồ đã thành một nhật ký không còn năm tháng, một cuốn album mãi ngưng đọng thời thanh xuân của dân tộc.